Thứ Bảy, 17 tháng 7, 2010

Võ Vịnh Xuân quyền

Theo võ sư Nhâm, VXQ hình thành vào thời Ung Chính - Càn Long (Nhà Thanh, Trung Quốc), do ngũ Tổ đại sư (Ngũ Mai, Chí Thiện thiền sư, Miêu Hiển, Bạch My đạo nhân và Phùng Đạo Đức) sáng lập. Môn võ này nổi tiếng với công phu nội gia nhu quyền có hiệu quả đặc biệt trong rèn luyện sức khoẻ, cũng như bản lĩnh chiến đấu, rất phù hợp với phụ nữ theo tinh thần "dĩ nhu chế cương" (dùng yếu chế mạnh). Qua thực tế, Vịnh Xuân công phu được giới võ thuật thế giới đánh giá rất cao, võ đường được mở khắp châu Á, Âu, Mỹ…

VXQ du nhập vào nước ta từ những năm đầu thế kỷ 20 do võ sư Nguyễn Tế Công (SN 1877), người gốc Tân Hội-Quảng Đông sang truyền dạy. Lúc đầu ông chỉ dạy cho người Hoa, sau cho cả người Việt. Như duyên trời định, các học trò Việt Nam chăm chỉ tập luyện nên lĩnh hội đủ tinh hoa võ thuật của Sư tổ. Có lần võ sư Tế Công phải thốt lên: “Vịnh Xuân sang Việt Nam mất rồi”. Những môn sinh của cụ Tế Công được nhiều người biết tiếng: Việt Hương, Trần Văn Phùng, Trần Thúc Tiển, Vũ Quý và Ngô Sỹ Quý. Giờ đây, các võ sư này đã khuất núi nhưng vẫn để lại nhiều thế hệ học trò.

Cố Sư tổ Vịnh Xuân Việt Nam

Nguyễn Tế Côngvà các môn đệ của người

(Võ sư Trần Thúc Tiển - hàng đầu, bên trái)

.

Vịnh Xuân căn bản gồm các bài tiểu niệm đầu, công di chuyển (mã) bát môn, bát pháp, 108 đối luyện, ngũ hình quyền (long, xà, hổ, hạc, báo, ngũ hình tổng hợp), tầm kiều, tiêu chỉ, linh giác, đấu tự do, túy đả… Binh khí gồm: Bát trảm đao, lục điểm bát côn, liễu diệp kiếm. Nội công dưỡng sinh thì bao gồm: Phật gia khí công quyền (vận khí), tĩnh tọa (tọa thiền), nội dưỡng công, cường tráng công (điều hòa kinh mạch, khí huyết dựa trên nguyên lý thần dẫn khí, khí dẫn huyết…), thiết bối sam... Những bài tập này, ngoài luyện võ thuật nâng cao sức khỏe, còn có tác dụng chữa được nhiều bệnh mãn tính (hen, phổi, dạ dày, xoang…).

Người Trung Quốc có danh ngôn: Đả quyền bất luyện công, đáo lão nhất trường không (tập võ mà không luyện công, đến già chỉ còn con số không). VXQ ngoài những bài quyền, đòn đánh còn có phần quan trọng là nội công. Môn sinh VXQ nội công thâm hậu, có sức chịu đòn ghê gớm. Lúc sinh thời dù ở tuổi 80, khi tập luyện, sư tổ Nguyễn Tế Công vẫn để học trò xuất đòn hết sức bằng chưởng, quyền, cạnh tay, khuỷu tay vào người trong suốt 4-5 giờ liền. Sư tổ vừa dạy vừa nói chuyện như không có gì xảy ra. Tiếp bước thầy, võ sư Thúc Tiển coi nội công là cách tập cơ bản, nền tảng của VXQ. Đến nay võ sư Nguyễn Mạnh Nhâm khi dạy học trò vẫn duy trì cách tập trên. Kiểu tập luyện độc đáo này chỉ có ở Việt Nam, chưa thấy xuất hiện ở các chi phái nước ngoài (kể cả Trung Quốc).

Võ sư Trần Thúc Tiễn - học trò của sư tổ Nguyễn Tế Công

Từ số ít người tập nhỏ lẻ, ở nước ta hiện nay người tham gia tập VXQ ngày càng đông chủ yếu là giới trí thức (60-70%), võ đường mọc lên khắp nơi. Tiến tới thành lập "Hội võ thuật Vịnh Xuân Việt Nam", đưa VXQ Việt Nam hội nhập với võ học thế giới là mong muốn của nhiều người yêu mến môn võ thuật độc đáo này.

Bài và ảnh: Hồng Minh

1 nhận xét: